Sau hơn ba năm thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (“Nghị định 20”) và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn như Nghị định 68/2020/NĐ-CP (“Nghị định 68”) và Thông tư số 41/2017/TT-BTC (“Thông tư 41”), ngày 05/11/2020 vừa qua, Chính Phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (“Nghị định 132”) thay thế Nghị định 20 và Nghị định 68, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, trong đó có một số thay đổi có ảnh hưởng trọng yếu đến công tác tuân thủ các quy định về giá giao dịch liên kết tại Việt Nam. Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới quý doanh nghiệp một số lưu ý quan trọng liên quan đến các thay đổi về mặt chính sách tại Nghị định 132 đối với việc chuẩn bị và tuân thủ hồ sơ giá giao dịch liên kết tại đơn vị, cụ thể như sau:
- Thu hẹp Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn
Trong giai đoạn hiệu lực của Nghị định 20 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các quy định trước đó, phương pháp xác suất thống kê áp dụng hàm tứ phân vị, từ giá trị bách phân vị thứ 25 đến bách phân vị thứ 75, được sử dụng để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn.
Tại Nghị định 132, khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn được quy định từ giá trị bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75. Cụ thể, cận dưới của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn được nâng từ giá trị bách phân vị thứ 25 lên bách phân vị thứ 35.
- Bổ sung đối tượng được xác định là bên có quan hệ liên kết
So với quy định tại Nghị định 20, Nghị định 132 đã bổ sung thêm các đối tượng được xác định là bên có quan hệ liên kết như sau:
- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ […], cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; […], con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; […] anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha;
- Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.
- Mở rộng khái niệm về Cơ sở dữ liệu thương mại
Nghị định 132 mở rộng phạm vi thu thập nguồn dữ liệu tài chính, kinh tế phục vụ cho công tác phân tích so sánh đến các cơ sở dữ liệu thương mại của các tổ chức kinh doanh dữ liệu cung cấp nguồn thông tin được lưu trữ, chuẩn hóa và cập nhật.
Trước đây, nguồn dữ liệu so sánh được giới hạn ở nguồn sở dữ liệu do các tổ chức kinh doanh thông tin cung cấp từ các nguồn công khai.
- Quy định liên quan đến Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia
Khoản 5, Điều 18, Nghị định 132 bổ sung thêm các quy định mới liên quan đến việc lập và lưu trữ Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, cụ thể như sau:
- Đối với thời hạn nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong trường hợp người nộp thuế là Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam (Doanh thu hợp nhất trên 18.000 tỷ đồng): 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của công ty mẹ tối cao (Khoản 5a).
- Bổ sung thêm quy định về các trường hợp phải lập Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong trường hợp Công ty mẹ tối cao bắt buộc phải nộp Báo cáo này tại nước cư trú (Khoản 5b và 5c) và trường hợp Cơ quan thuế thực hiện trao đổi thông tin tự động theo cam kết tại các Thỏa thuận quốc tế.
- Đối với trường hợp người nộp thuế có Công ty mẹ tối cao không bắt buộc phải nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo quy định của nước cư trú thì thực hiện theo điều ước quốc tế về thuế.
Mặc dù vậy, tại thời điểm hiện tại, các quy định liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế đối với Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia còn nhiều điểm cần làm rõ thêm. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm về nội dung này trong trường hợp cơ quan thuế ban hành các hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.
- Thời hạn cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết khi Cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra
Theo quy định tại Nghị định 132, thời hạn cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong quá trình Cơ quan thuế thực hiện thanh kiểm tra sẽ được xác định theo quy định tại Luật thanh tra.
- Quy định về khống chế chi phí lãi vay
Kế thừa các quy định tại Nghị định 68, Nghị định 132 quy định mức khống chế lãi vay được trừ đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết ở mức 30% EBITDA thuần cũng như quy định cụ thể khác về chuyển tiếp chi phí lãi vay không được trừ, hay các quy định về áp dụng hồi tố đối với giai đoạn các năm 2017-2018.
Quý doanh nghiệp có thể tham khảo lại các cập nhật của chúng tôi trong các bản tin trước liên quan đến Nghị định 68 để biết thêm chi tiết.
- Hiệu lực thi hành
Nghị định 132 có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Mặc dù vậy, hiện còn chưa rõ việc áp dụng Nghị định 132 sẽ được triển khai như thế nào đối với các đơn vị áp dụng năm tài chính không trùng với năm dương lịch, cụ thể là năm tài chính kết thúc trong năm dương lịch 2020.
KHUYẾN NGHỊ CỦA GRANT THORNTON VIỆT NAM
Quý doanh nghiệp cần lưu ý:
- Rà soát tổng quan mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và cập nhật các quy định chi tiết tại Nghị định 132 để đảm bảo nội dung tuân thủ và giảm thiểu rủi ro thuế.
- Rà soát lại các yếu tố chính yếu của hồ sơ giá giao dịch liên kết như phương pháp xác định giá, biên độ giá/ lợi nhuận so sánh, quy trình phân tích so sánh, v.v.. của đơn vị để đảm bảo nội dung tuân thủ đối với các quy định tuân thủ mới (ví dụ: quy định về khoảng giá trị độc lập).
- Rà soát lại việc tính toán chi phí lãi vay được trừ trong giai đoạn từ 2017-2019 và kê khai bổ sung (nếu có) để tận dụng quy định mới về trần chi phí lãi vay trước 1 tháng 1 năm 2021.
Trong trường hợp doanh nghiệp có phát sinh các điều chỉnh và/ hoặc bất kỳ mối quan tâm nào khác liên quan đến quy định mới này, vui lòng liên hệ với bên tư vấn thuế của doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ kịp thời nhất.