Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, có khả năng “quyền sử dụng đất” được coi là “bất động sản”. Các luận điểm sau đây hỗ trợ quan điểm cho rằng quyền sử dụng đất là bất động sản theo pháp luật Việt Nam:
· Quyền sử dụng đất (QSDĐ) là quyền tài sản, cũng chính là tài sản. Tài sản được chia thành động sản và bất động sản. Các bất động sản được xác định bao gồm: (i) Đất; (ii) Nhà và công trình xây dựng gắn liền với đất; (iii) Các tài sản khác gắn liền với đất, nhà hoặc công trình xây dựng; và (iv) các tài sản khác theo quy định của pháp luật.
· Về mục (iv) nêu trên, QSDĐ được quy định theo Điều 5.4 của Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014 dưới dạng “bất động sản đưa vào kinh doanh”. Quan điểm này cũng được Tiến sĩ Đỗ Văn Đại áp dụng trong cuốn sách về Bộ Luật Dân Sự 2015.
· Về mục (iii), Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn coi QSDĐ là bất động sản vì chúng là “tài sản gắn liền với đất”.
· Tại Án Lệ 26/2018, Tòa Án Tối Cao đã áp dụng thời hiệu 30 năm đối với yêu cầu chia thừa kế bất động sản trong tranh chấp bao gồm QSDĐ. Có thể cho rằng, Tòa Án Tối Cao đã đưa ra quan điểm rằng QSDĐ là bất động sản.
Các luận điểm sau đây hỗ trợ quan điểm cho rằng quyền sử dụng đất không phải là bất động sản theo pháp luật Việt Nam:
· Dựa trên sự thay đổi về câu chữ của Điều 5.4 của Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014 so với Điều 6.1(b) của Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2006, không còn rõ liệu QSDĐ có phải là bất động sản đưa vào kinh doanh hay không. Câu chữ của Điều 5.4 của Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014 có thể được hiểu là: đất (mà có quyền sử dụng được phép chuyển nhượng, cho thuê hoặc cho thuê lại theo luật đất đai) là bất động sản đưa vào kinh doanh, và QSDĐ của mảnh đất đó có thể giao dịch trực tiếp.
· Bộ Luật Dân Sự 2015 không làm rõ liệu tài sản gắn liền với đất có thể, về mặt vật lý, không gắn liền với mảnh đất đó hay không. Theo đó, có thể có quan điểm cho rằng Bộ Luật Dân Sự 2015 đang đề cập đến các tài sản gắn liền về mặt vật lý và QSDĐ không phải là tài sản gắn liền với đất. Quan điểm này có thể được hỗ trợ bởi câu chữ của các Điều 318.3, 325 và 326 của Bộ Luật Dân Sự 2015 khi có sự tách biệt giữa QSDĐ và các tài sản gắn liền với đất (nếu QSDĐ được coi là tài sản gắn liền với đất, thì các Điều đó đáng lẽ nên dùng cụm “tài sản khác gắn liền với đất” khi nói đến QSDĐ thay vì “tài sản gắn liền với đất”).
Bài viết được đóng góp bởi Lê Thanh Nhật và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.