Theo pháp luật Việt Nam, trong trường hợp hợp đồng giữa một bên Việt Nam và một bên nước ngoài (i) lựa chọn pháp luật Việt Nam là pháp luật điều chỉnh cho toàn bộ hợp đồng, (ii) lựa chọn trọng tài nước ngoài làm cơ chế giải quyết tranh chấp, nhưng (iii) không quy định rõ pháp luật điều chỉnh của thỏa thuận trọng tài, có khả năng pháp luật của nước là địa điểm giải quyết tranh chấp (không phải pháp luật Việt Nam) sẽ là pháp luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài đó. Điều này là bởi:
· Tương tự như nguyên tắc về tính độc lập của điều khoản trọng tài đối với hợp đồng chính được chấp nhận rộng rãi trong thông lệ của trọng tài thương mại quốc tế, Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 cũng quy định rằng thỏa thuận trọng tài “hoàn toàn độc lập” với hợp đồng chính. Theo đó, pháp luật điều chỉnh hợp đồng chính không nên được mặc định là pháp luật điều chỉnh của thỏa thuận trọng tài. Tuy nhiên, Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 không xác định rõ pháp luật nào sẽ là pháp luật điều chỉnh đối với thỏa thuận trọng tài trong trường hợp nói ở phần đầu. Điều này khác với Quan Điểm của hệ thống pháp luật thông luật mà theo đó pháp luật điều chỉnh hợp đồng sẽ là pháp luật điều chỉnh của thỏa thuận trọng tài trừ trường hợp có chứng cứ cho điều ngược lại; và
· Mặt khác, Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định rằng liên quan đến hợp đồng trong đó có một bên nước ngoài và các bên chưa thống nhất pháp luật áp dụng, pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó sẽ được áp dụng. Có thể nói rằng quốc gia nơi hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp (Quốc Gia Xét Xử) là quốc gia có mối quan hệ gần nhất với thỏa thuận trọng tài. Do đó, pháp luật của Quốc Gia Xét Xử sẽ là pháp luật điều chỉnh của thỏa thuận trọng tài được nói đến.
Mặc dù vậy, nếu thỏa thuận trọng tài được coi là một hợp đồng dịch vụ trong đó hội đồng trọng tài cung cấp dịch vụ cho các bên của tranh chấp, thì theo Bộ Luật Dân Sự 2015, quốc gia nơi thành lập bên cung cấp dịch vụ (Quốc Gia Trọng Tài), sẽ được coi là quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với thỏa thuận trọng tài trừ khi được chứng minh khác đi. Do đó, trong trường hợp Quốc Gia Xét Xử và Quốc Gia Trọng Tài khác nhau, cả hai quốc gia này đều có thể là pháp luật điều chỉnh của thỏa thuận trọng tài. Kết quả sẽ phụ thuộc vào cách các bên chứng minh quốc gia nào có “mối liên hệ gắn bó nhất” với thỏa thuận trọng tài.
Bài viết được thực hiện bởi Lê Thanh Nhật và Nguyễn Quang Vũ.