Để kiểm soát các hợp đồng ký giữa một công ty cổ phần Việt Nam (CTCP) với những người có liên quan của công ty, Luật Doanh Nghiệp 2014 yêu cầu một hợp đồng như vậy phải được Hội Đồng Quản Trị hoặc Đại Hội Đồng Cổ Đông của CTCP chấp thuận. Nếu hợp đồng với người có liên quan phải được Hội Đồng Quản Trị chấp thuận, quy định của pháp luật cấm thành viên Hội Đồng Quản Trị có lợi ích liên quan biểu quyết đối với việc chấp thuận hợp đồng đó. Tuy nhiên, nếu Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị là thành viên Hội Đồng Quản Trị có lợi ích liên quan, pháp luật không quy định rõ ràng rằng liệu Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị có được tham gia vào các công đoạn khác trong quá trình chấp thuận hợp đồng với người có liên quan hay không. Các công đoạn khác bao gồm chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Quản Trị, triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội Đồng Quản Trị để xem xét hợp đồng. Các bước này có thể là chìa khóa để quyết định liệu hợp đồng với người có liên quan có thể được phê duyệt hay không.
Tuy pháp luật không quy định rõ ràng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị có lợi ích liên quan không nên được phép tham gia vào các công đoạn liên quan đến việc phê duyệt hợp đồng với người có liên quan. Điều này là do:
· Điều 152.4 của Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định rằng khi Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, người đó phải ủy quyền cho một thành viên khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Trường hợp không có người được ủy quyền, các thành viên còn lại bầu một người trong số họ tạm thời giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị;
· Theo Điều 153.9 của Luật Doanh Nghiệp 2014, trường hợp số phiếu biểu quyết tại cuộc họp của Hội Đồng Quản Trị là ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Có thể nói rằng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị có nhiệm vụ giải quyết trường hợp bằng phiếu trong cuộc họp Hội Đồng Quản Trị; và
· Vì Chủ Tịch không có quyền bỏ phiếu cho giao dịch với người có liên quan, Chủ Tịch không thể thực hiện được nhiệm vụ giải quyết trường hợp bằng phiếu trong cuộc họp Hội Đồng Quản Trị. Theo đó, một thành viên khác của Hội Đồng Quản Trị có quyền bỏ phiếu về giao dịch đó nên được ủy quyền hoặc bầu để tạm thời thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ Tịch trong cuộc họp Hội Đồng Quản Trị đó, bao gồm cả việc chủ tọa cuộc họp.
Thêm vào đó, một công ty cổ phần đại chúng (CTCP Đại Chúng) phải áp dụng các biện pháp cần thiết để (i) ngăn ngừa những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty và gây tổn hại cho lợi ích của công ty thông qua việc kiểm soát các giao dịch của công ty; và (ii) ngăn ngừa các cổ đông và những người có liên quan của họ thực hiện các giao dịch gây thất thoát vốn, tài sản và các nguồn lực khác của công ty. Theo đó, bằng việc không cho Chủ Tịch làm chủ tọa cuộc họp Hội Đồng Quản Trị có liên quan, CTCP Đại Chúng đã tuân thủ các yêu cầu trên, đặc biệt khi xét rằng chủ tọa cuộc họp Hội Đồng Quản Trị trong CTCP Đại Chúng có quyền quyết định liệu một thành viên Hội Đồng Quản Trị có lợi ích liên quan trong các giao dịch hay không.
Bài viết được thực hiện bởi Lê Thanh Nhật và do Nguyễn Quang Vũ biên tập.