Nhiều quy định của Luật Doanh Nghiệp 2014 giờ đây có thể cho phép các bên trong giao dịch M&A tại Việt Nam được linh hoạt hơn trong việc thiết kế một cơ chế hoàn thành. Cụ thể,
· Nhiều đại diện theo pháp luật – Trong một giao dịch M&A liên quan đến thay đổi quyền kiểm soát, bên mua sẽ muốn kiểm soát vị trí người đại diện theo pháp luật vào ngày hoàn thành. Nhưng điều này đòi hỏi việc đăng ký với Cơ Quan Đăng Ký Kinh Doanh. Nhiều bên bán không muốn thay đổi vị trí người đại diện theo pháp luật trước khi hoàn thành mà chưa nhận được khoản thanh toán giá mua.
Trước đây, một công ty chỉ có thể có một người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, theo Luật Doanh Nghiệp 2014, một công ty có thể có hai hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Nhờ đó, các bên có thể thỏa thuận rằng công ty mục tiêu sẽ có hai người đại diện theo pháp luật được chỉ định bởi bên bán và bên mua. Người đại diện theo pháp luật được chỉ định bởi bên bán sẽ tiếp tục điều hành công ty mục tiêu cho đến khi chấm dứt và sẽ từ chức khi hoàn thành giao dịch. Người đại diện theo pháp luật của bên mua sẽ nắm quyền kiểm soát vào thời điểm hoàn thành. Và sau khi hoàn thành, công ty mục tiêu sẽ hủy đăng ký người đại diện theo pháp luật được chỉ định bởi bên bán.
· Nhiều con dấu doanh nghiệp – Trước Luật Doanh Nghiệp 2014, một công ty chỉ có thể có một con dấu doanh nghiệp. Bây giờ, nhiều con dấu doanh nghiệp được cho phép. Để hỗ trợ cơ chế nhiều người đại diện theo pháp luật, các bên có thể thỏa thuận rằng mỗi người đại diện theo pháp luật sẽ có con dấu riêng. Sự dàn xếp này có thể hữu ích nếu sau khi hoàn thành (i) việc thanh toán cho bên bán cần thực hiện thông qua tài khoản DICA của công ty mục tiêu hoặc (ii) bên bán cần thực hiện một số công việc nhất định cho công ty. Trong trường hợp đó, bên bán có thể yêu cầu quyền kiểm soát tài khoản DICA bằng cách đăng ký người đại diện theo pháp luật và con dấu doanh nghiệp của bên bán với ngân hàng quản lý DICA.
· Xin cấp GCNĐKDN trực tuyến – Có một điều khá phổ biến hiện nay đó là hồ sơ đăng ký sửa đổi Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp (GCNĐKDN) có thể (và đôi khi bắt buộc phải) được sao quét (scan) và được gửi trực tuyến tới cổng thông tin đăng ký kinh doanh trước. Sau khi xem xét hồ sơ xin cấp gCNĐKDN trực tuyến, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể đưa ra xác nhận rằng hồ sơ xin cấp GCNĐKDN trực tuyến là đúng trình tự và công ty có thể gửi bản cứng gốc của hồ sơ xin cấp GCNĐKDN trực tuyến cho cơ quan nhà nước để được cấp GCNĐKDN sửa đổi. Nếu công ty không gửi bản cứng gốc trong vòng 30 ngày thì hồ sơ xin cấp GCNĐKDN trực tuyến sẽ mất hiệu lực.
Trước đây, nếu hồ sơ xin sửa đổi GCNĐKDN được gửi dưới dạng giấy, các bên không có khả năng kiểm soát khi nào thì GCNĐKDN sửa đổi được cấp. Mặt khác, nếu hồ sơ xin sửa đổi GCNĐKDN được gửi trực tuyến, các bên sẽ có khả năng kiểm soát thời gian ban hành GCNĐKDN sửa đổi (vì các bên có thể quyết định khi nào nộp bản cứng gốc của hồ sơ xin cấp GCNĐKDN gốc) . Ngoài ra, bằng cách gửi hồ sơ xin cấp GCNĐKDN trực tuyến, các bên cũng có thể giảm bớt sự lo ngại phát sinh từ quy trình đăng ký cấp GCNĐKDN. Điều này là bởi các bên sẽ biết chắc chắn hơn nhiều rằng GCNĐKDN sửa đổi sẽ được cấp khi nộp hồ sơ xin sửa đổi GCNĐKDN bằng giấy.
Bài viết được thực hiện bởi Lê Minh Thùy và Nguyễn Quang Vũ.