Ngày 15/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2018, quy định chi tiết các nội dung về bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH) áp dụng đối với lao động nước ngoài theo Luật BHXH năm 2014. Trước khi ban hành Nghị Định 143/2018, Luật BHXH 2014 chỉ quy định rằng người lao động nước ngoài sẽ “được” tham gia chương trình BHXH của Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Trong một thời gian dài, quy định mơ hồ này đã gây ra các vướng mắc về việc liệu việc đóng góp BHXH cho người lao động nước ngoài là bắt buộc hay tự nguyện. Nghị Định 143/2018 giờ đây chính thức xác nhận rằng việc này là bắt buộc. Cụ thể là,
· Việc đóng BHXH sẽ được áp dụng cho cả người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động của họ nếu người lao động nước ngoài: (1) đang làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam; và (2) có (i) giấy phép lao động, hoặc (ii) chứng chỉ hành nghề, hoặc (iii) giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
· Với việc đóng BHXH, theo đó chi trả các khoản trợ cấp cho (i) ốm đau, (ii) thai sản, (iii) tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, (iv) hưu trí, và (v) tử tuất, người lao động nước ngoài có thể được hưởng các quyền lợi như người lao động Việt Nam;
· Tỷ lệ đóng góp áp dụng cho cả người sử dụng lao động và lao động nước ngoài sẽ tương tự như áp dụng với người lao động Việt Nam (tức là người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 17,5%), dựa trên mức lương thực tế hàng tháng của người lao động nước ngoài nhưng không quá 20 lần mức lương cở sở hiện hành (khoảng 1.200 Đô la Mỹ);
· Theo Nghị Định 143/2018, lao động nước ngoài được hưởng trợ cấp BHXH một lần theo yêu cầu nếu họ không tiếp tục làm việc tại Việt Nam; và
· Nghị Định 143/2018 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2018. Tuy nhiên, người lao động nước ngoài sẽ chỉ phải đóng BHXH từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Trong khi đó, người sử dụng lao động tại Việt Nam sẽ được hưởng tỷ lệ đóng là 3,5%, tỷ lệ này sẽ tăng lên bằng 17,5% kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.
Trên thực tế, nhiều lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể đã tham gia vào chương trình trợ cấp riêng và nhiều khả năng không bận tâm tới các quyền lợi từ hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam. Vì vậy, việc đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động nước ngoài có thể làm tăng chi phí cho người sử dụng lao động và người lao động của họ.
Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Dương, luật sư tập sự tại Venture North Law.